Tuấn Hiệp bắt đầu rời quê hương Nam Sách (Hải Dương) trong hành trang trở thành một chàng sinh viên ĐH Nông Nghiệp. Thế nhưng, cuộc đời của anh rẽ ngang chỉ sau một lần tình cờ, Tuấn Hiệp đi sang phố Hào Nam mua dây đàn guitar cùng mấy người bạn cho khoa Kinh tế của trường.
Lần ấy, tò mò Hiệp rẽ vào căng tin Nhạc viện, khi đó nằm ngay sát khoa Thanh Nhạc, đang ngồi uống nước thì gặp NSND Quang Thọ. Tuấn Hiệp có chào thầy vì một lý do thật đơn giản: xem NSND Quang Thọ hát nhiều trên tivi, lần đầu được gặp thầy ở ngoài đời. Thầy Quang Thọ thì nghĩ Tuấn Hiệp là một câu học trò đến để xin học hát như bao trò khác, nên đã bảo vào phòng NSND Lê Dung để thử giọng.
Ngay lập tức, hai thầy cô nhận Tuấn Hiệp vào học ngay, thậm chí sau đó để khuyến khích Tuấn Hiệp theo nghề ca hát, để đỡ một phần gánh nặng kinh tế cho Hiệp, thầy Thọ đã cho Tuấn Hiệp ở tại nhà thầy và mua cả quần áo cho vì thấy cậu học trò cả tháng chỉ có một bộ quần áo duy nhất. Và năm đó, Tuấn Hiệp đã đỗ thủ khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội với số điểm tuyệt đối. Trong quá trình học tại Nhạc viện HN, Tuấn Hiệp luôn là một trong số những sinh viên xuất sắc nhất và là người duy nhất đạt điểm 10 trong lễ báo cáo tốt nghiệp.
Sau đó, Hiệp về công tác tại Nhà hát Quân đội, ở đây Tuấn Hiệp được nhạc sĩ Minh Quang giúp đỡ nhiều trên con đường ca hát. Chính nhạc sĩ Minh Quang là người đặt cho cái tên Tuấn Hiệp. Ở Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, Tuấn Hiệp luôn là giọng hát đơn ca chính và là solist chính trong tốp ca nam vốn là 'đinh' khi nhắc tới Đoàn ca múa Tổng cục chính trị, nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Tuấn Hiệp đã từng cùng tốp ca nam phát hành album 'Tình ca người lính trẻ'.
Ngay từ nhỏ đã được nghe những ca sĩ như Tuấn Ngọc, Evis Phương và nhiều ca sĩ thuộc thế hệ đi trước, Tuấn Hiệp ảnh hưởng và thích nhạc xưa từ đó. Kể cả sau này khi đã học ở Nhạc viện Hà Nội, Tuấn Hiệp vẫn thích nghe dòng nhạc này.