Thừa hưởng năng khiếu ca hát từ mẹ, vốn là một ca sĩ phong trào trước 1975, cô con gái út trong gia đình gồm bốn anh chị em từ nhỏ đã mê hát hơn ham học.
Người cha đại tá bộ đội tập kết thuộc binh chủng thiết giáp, sau ngày đất nước giải phóng đã đưa cả gia đình về Nam sinh sống tại khu vực suối Lồ Ồ, Bình Dương. Quỳnh Lan ao ước được vào nhạc viện nhưng nhà nghèo lại đường xa, một lần được mẹ chở đến để nhìn tận mắt cho thỏa chí rồi thôi. Cô bé đành quay về an phận với cây guitar thùng, vốn là tài sản của người anh cả, từng có lúc theo học bộ môn guitar ở Nhạc viện Hà Nội. Bảy, tám tuổi, vòng tay bé bỏng chưa ôm nổi thân đàn, nhưng cô em út cứ chờ lúc anh đi vắng, lại lén bắc ghế trèo lên gỡ đàn xuống mày mò bấm. Rồi cô cũng được anh truyền cho ít ngón nghề mặc dầu thỉnh thoảng, mất kiên nhẫn, anh lại cho cô ăn một cái cốc vào đầu. Cứ thế, cô vừa đàn vừa hát một mình rồi trở thành ghiền lúc nào không hay.
Năm 1990, Quỳnh Lan đoạt giải người hát hay trong một cuộc thi hát được tổ chức tại TPHCM. Bốn năm sau, năm 1994, sau khi đoạt giải tư cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM, cô nhận được lời mời của nhiều sân khấu nhưng vì mẹ không cho đi, sợ nghiệp hát nhiều cạm bẫy nên Quỳnh Lan đành chọn nghề hướng dẫn viên du lịch. Nhưng khi nhạc sĩ Trần Tiến - vốn là người từng được gia đình ngưỡng mộ - đến nhà bảo lãnh, xin cho Quỳnh Lan làm thành viên nhóm Du ca Đồng đội, cô mới được mẹ cho phép theo nghề. Trong một năm cùng các thành viên khác của Du ca Đồng đội (ca sĩ Y Moan, Lâm Xuân, Trần Tài, Trần Tiến), Quỳnh Lan được đi diễn khắp nơi trong nước, từ Bắc chí Nam, được có cơ hội rèn luyện giọng ca và nâng cao ngón đàn. Năm 1996, khi nhóm Du ca Đồng đội của nhạc sĩ Trần Tiến thôi... du ca cũng là lúc Quỳnh Lan khởi nghiệp hát đơn. Đêm đêm, từ Bình Dương, đeo theo trên lưng cây đàn guitar, Quỳnh Lan là con chim lạ lặng lẽ xuất hiện trên các sân khấu của những phòng trà TP với lối hát nhẹ nhàng, ấm áp như tình tự.