Năm 1972, khi mới 8 tuổi, Đức Long đã mồ côi cha mẹ, 3 chị em phải chia nhau ra sống nhờ nhà bà con họ hàng. Đi học về là anh đi làm thuê, từ phụ hồ, đóng than, khuân vác... miễn là không phải 'ăn bám' ai. Học hết cấp 2, Đức Long xin làm công nhân cho một nhà máy than ở Quảng Ninh. Có vẻ như số phận không nỡ bắt anh làm công nhân nên trong một lần hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 1984, với năng khiếu ca hát bẩm sinh, anh đã dành được huy chương vàng. Sau giải thưởng đó, anh được nhận về Đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân và sau này về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và 'đóng đinh' ở dòng nhạc tiền chiến.
Đức Long là một gã lãng tử trong nghệ thuật, nhưng mê đắm công việc. Chỉ trong vài năm, anh đã cho ra mắt đến 7 CD chung và riêng. Nhắc đến Đức Long, người ta nhớ về những giai âm thổn thức một thời, của tiếng lòng xưa cũ, của tình mến thương rất nghệ sỹ thời kỳ đầu tân nhạc.
Là một người 'thợ hát', Đức Long luôn tâm niệm mình phải làm tròn, làm tốt vai diễn của mình. Đứng trước công chúng là những người anh luôn hàm ơn bởi vì họ cho anh ngày hôm nay. Hơn nữa, công chúng giúp Đức Long có cảm giác mình có thật nhiều bạn.
Anh ngại cả việc định giá cho công việc của mình. Đức Long không quen với việc hét hò cát-xê cho mình cao hay thấp. Mỗi khi được mời hát, Đức Long đều tặc lưỡi 'cát-xê bao nhiêu cũng được'.
Ông hiện là diễn viên đoàn ca múa nhạc Việt Nam và công tác giảng dạy tại nhạc viện Hà Nội.