Năm 1978, Lê Thị Thu Vân vừa tròn mười bảy tuổi (sanh năm 1961) trước nguyện vọng muốn được đi hát Cải lương của con gái, gia đình đã gởi Vân vô đoàn Cải lương Bông Dừa Trắng, Tỉnh bến Tre do Đạo diễn Hồ Bảy làm Trưởng đoàn.
Vân có gương mặt sáng đẹp, giọng ca truyền cảm có nghề, chẳng mấy chốc Thu Vân với nghệ danh Châu Vân có vị trí quan trọng trong đoàn, làm tiền đề cho những bước thăng hoa sau nầy. Thập niên 80 việc nghệ sĩ trải qua nhiều đoàn hát là chuyện bình thường, khẳng định sự thăng tiến nghề nghiệp, giá trị kinh tế lương tài năng của người nghệ sĩ. Châu Vân được nhiều sân khấu mời về hát chánh như Đoàn Hoa Mùa Xuân, Đoàn Tháp Mười B (do nghệ sĩ Lão thành Bảy Cao làm Trưởng đoàn) chính ở sân khấu nầy Châu Vân có bước tiến vượt bậc, triển vọng thành một cô đào sáng giá ở miền Tây, Nam bộ.
Năm 1996 Châu Vân chính thức về cộng tác với Đoàn Cải lương Tây Đô mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp ca hát của mình. Về với sân khấu mới, cần có sự thay đổi, nghệ danh Châu Vân giống kép được sửa lại thành Thảo Vân vừa nữ tính, vừa phù hợp với một nghệ sĩ đẹp, đang ở giai đoạn phát triển tài năng.
Năm 2000 tại Hội diễn SKCN Thảo Vân đã đoạt HCV với vai Hiền trong kịch bản Huyền thoại một tình yêu của Tác giả Hùng Tấn, Đạo diễn NStn Trần Ngọc Giàu. Hội diễn SKCNTQ 2005, Thảo Vân đoạt HCV với vai Má Ba trong vở Lời tự tình quê Hương, Tác giả NSUT Trúc Linh – Đăng Minh, Đạo diễn NSUT Trần Ngọc Giàu.
Tại Liên hoan SK Nam bộ 2002, Thảo Vân đoạt HCV trong vở Dòng sữa đỏ. Với những thành quả đó, cộng phẩm cách, đạo đức của người nghệ sĩ năm 2007 Thảo Vân vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, phần thưởng xứng đáng, công nhận công lao của một nghệ sĩ tận tụy với nghề.
Chưa dừng lại ở đó tại Hội diễn SKCL 2009, một lần nữa Thảo Vân lại đoạt thêm HCV với vai Má Sáu trong kịch bản Mẹ của chúng con, tác giả Lê Thu Hạnh - Đức Hiền, đạo diễn NSUT Trần Ngọc Giàu.