Bài hát: Núm ruột quê hương - Út Trà Vinh
Sáng tác: Hải Đăng
Lối:
Nam: Quá nửa khuya trong mái nhà thơm tổ ấm. Trời sang xuân chưa mà nghe gió gọi ngoài hiên. Chung trà thơm sưởi ấm giọt sương khuya. Chòm râu bạc bên mái đầu xanh để trút cạn dòng tâm sự.
Nữ: Con lặng im để lời thiêng liêng len vào từng phôi bào nguyên thủy. Để nguồn tim được tiếp thêm máu đỏ tình thâm.
Nam: Ngồi bên con, ba hồi tưởng lại chuyện năm xưa... hồi trống Nam Lân, tiếng thét Nam Kỳ hô: “khởi nghĩa”
Lý Sâm Thương:
Nữ: Ôi tiếng trống thiêng liêng, vọng về tim lời hịch truyền sông núi.
Đi giữ lấy quê hương, thù xâm lăng gây tóc tang chia ly.
Nam: Rồi một chiều ba đi, một chiều thu non sông bụi mờ.
Nữ: Trọn nghĩa tình muôn chung, thêm tình riêng bên vai nặng oằn .
Vọng cổ:
Câu 1- Nam: Con ơi ba nhớ lại ngày xưa hồi năm bốn mươi khi Tây nó còn giẫm gót giày xâm lược. Rồi mùa thu ấy theo tiếng trống thiêng liêng ba ra đi khi vầng mây đen đang phủ kín sơn ... hà.
Con có biết đâu chuyện ngày xưa khi con chửa ra đời/. Ba má cưới nhau được ba bốn năm gì đó, nội con thì già, ngoại đã mất từ lâu. Ba đi rồi nhà cửa quạnh hiu/, nhưng nội vẫn nói: "con cứ yên lòng mà giết giặc". Từ giã nội ba đi khi gà chưa gáy sáng/, má con cũng tiễn một đoạn đường rồi trở về khi lệ vừa đầy khóe mắt/.
Nữ: Ba ơi, rồi sau đó, ba có về thăm nội và má con không ba?
Nam: Ờ có, ba nhớ đâu có về thăm được vài lần, rồi mãi cho đến khi đình chiến, ba phải ở lại miền Nam/. Lúc ba trở lại nơi chôn nhau cắt rún, mái nhà xưa không còn nữa/.
Câu 2: Ba hỏi thăm bà con, họ nói, nội của con đã mất tự lâu rồi/. Còn má con thì bị bọn làng Tổng chèn ép nên bỏ miệt Hóc Môn mà xuống ở Sài Gòn/. Tội nghiệp cho má con một gái quê bơ vơ nơi thị thành xa mã, vẫn thương chồng giữ vẹn tiết trinh/. Rồi ba mới lần mò đi tìm kiếm cả năm. Sau đó mới gặp lại hai bên cùng mừng mừng tủi tủi. Má con nói: Đây nè, chiếc áo bà ba tui cất kỹ/ còn thơm nồng áo cưới, đợi ông thắng Pháp trở về mà dạo lại bản đàn xưa”.
Câu 3- Nữ: Tội nghiệp má con quá hả ba? Kỷ niệm xưa êm đềm như dòng nước, vẫn lớn ròng theo định luật thủy chung. Rồi, rồi cái áo đó bây giờ ba còn giữ không ba?/
Nam: Còn, ba cất trong cái hộc bàn thờ của má con đó
(Nhịp 4 vô). Còn hồi nẫm thì ba gói trong cái ba lô của ba. Vài năm sau lại sanh ra con, mà lúc đó thì ba má nghèo lắm con à/.
Trong cái xã hội loạn ly, giữa chợ đời ai cũng lo tảo tần theo cuộc sống. Thì con chào đời như nảy một mầm non/, nhà không tiền lúc nở nhụy khai hoa, ba má mới lấy cái áo xưa mà làm mền đắp cho con, còn chiếc ba lô thì gối đầu cho con ôm ấp/. Kỷ niệm chống Tây, nuôi con hồi còn trứng nước, để sau này con khôn lớn giống ba/(song loan).
Mười tám thôn vườn trầu, ba gọi là thập bát phù di, là núm ruột quê hương, là vùng đất thánh, đã mớm cho ba và muôn người/ dòng nhựa đời cách mạng. Để sau đó những trái tim hồng mang về cho đất nước một mùa xuân.
Lối:
Nữ: Từng giọt máu người xưa là từng viên gạch.
Xây đắp nền cho mái ấm đời sau.
Sóng ba đào mà lay giữa niềm đau. (câu này tui nghe cũng không rõ, nhưng nghĩ như thế này thì đúng hơn: sóng ba đào mà lái vững buồm cao, tùy người sử dụng)
Bến hạnh phúc đang đón chờ con thuyền cách mạng.
Nam: Mảnh đất này đã khơi nguồn ánh sáng, muôn con tim đập theo nhịp đập Nam Lân.
Trống ba hồi dồn dập triệu bước chân, gạt lệ biết - ngọn cờ son phấp phới.
Vọng cổ:
Câu 5- Nữ: Ba ơi tiếng gà quê hương thổi lui bóng đêm miên trường giá lạnh, trước cổng bình minh con xin cúi đầu mặc niệm. Bên tấm huân chương loé sáng huân công hiển hách của cha ông đã ghi đậm bảng tuyên dương bằng hai chữ anh ...hùng
Lời hào khí đã sôi nổi bởi chất lửa hồn nhiên chụm lên mấy chục năm trời. Ngày xưa dòng máu lệ tuôn ra từ nguồn tim ái quốc, khi đạn quân thù rạch mặt quê hương. Khí thiêng hồn sông núi đã bùng lên, đánh nhịp cho trống Hóc Môn hoà cùng trống đồng Ngọc Lũ. Bốn thế hệ chung nhau làm nên lịch sử, mấy mươi năm soi thế đứng anh hùng.
Câu 6- Hóc Môn ơi, triệu triệu người đã hướng những bước chân, đang khao khát về đây để nghe tiếng trống Nam Lân luyện rèn thêm ý chí. Mở rộng tâm tư tiếp những nguồn chân lý, đã hết rồi những khoảng trống cô đơn. Xa thì nhớ - nhắc thì thương, giọt thời gian rơi đều trăn trở, tổ ấm đây rồi núm ruột quê hương, chiếc gậy thần gõ cửa thời gian cho đường đất nước thêm thênh thang rộng mở.
Vầng kim ô vừa bay lên mặt biển nhả những cụm vàng trên mảnh đất thân yêu. Ai đến đây rồi sẽ chẳng muốn xa đâu, bởi từ lòng đất vẳng lên câu “người ơi người ở đừng về”.
Nam: Hạnh phúc là đây khi con được qùy hôn mảnh đất Bà Điểm – Hóc Môn, là nơi chào đời những mùa xuân vạn kỷ.
Nữ: Điểm hội tụ cha ông phất cao ngọn cờ hồng chân lý, cho đất nước diệu kỳ chào đón vạn mùa xuân