Trong truyện Kiều, khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe tại vườn Thúy, có đoạn:
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
Câu đầu chính là để chỉ khúc "Quảng lăng tán" . Nhắc đến "Quảng lăng tán", thì phải nhắc đến hai câu chuyện, chuyện của thích khách Nhiếp Chính thời Chiến Quốc và chuyện của Kê Khang. Cha của Nhiếp Chính vì Hàn Vương mà đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm mà bị thảm sát, Nhiếp Chính vì trả thù cha luyện đàn mười năm, nổi tiếng khắp nơi, được Hàn Vương triệu vào đàn. Nhiếp Chính nhân cơ hội này giết chết Hàn Vương rồi hủy dung tự tử để khỏi liên lụy thân nhân. Người đời sau vì cảm khái câu chuyện này mà soạn nên khúc "Quảng lăng tán". Sáu trăm năm sau, đời Ngụy Tấn, có Kê Khang là một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” đã phát triển khúc này thành một khúc nhạc tuyệt luân. Đương thời họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Nguỵ, Kê Khang tài giỏi nhưng tính cương liệt, đứng về phía nhà Nguỵ một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã. Năm 262 tr.CN Kê Khang vì tội làm loạn triều chính đã bị chặt đầu giữa chợ, trước khi chết ông đã tấu khúc "Quảng lăng tán" một lần cuối cùng rồi thốt lên rằng: "Quảng Lăng Tán từ nay thất truyền!"