EM ĐI CHỢ THÁI
Em đi chợ Thái, thành phố Thái Nguyên
Qua cầu Bến oánh nơi miền trung du
Đợi chờ em đợi chờ ai
Chờ người tri kỷ tuổi thơ năm nào
Bên sông bến nước con đò
Êm êm một khúc, tơ duyên sông Cầu
Người ơi, này người ơi
Hát rằng câu lượn, câu sli
Thắm tình tình si
Tình lượn mái đình bên sông
Tình em như hoa tím thủy chung
Bên nhau chung sức dựng xây quê mình
Người ơi, này người ơi
Hãy về Bến Tượng mà nghe
Câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ sông quê
Mời anh em nâng chén chè xanh
Xanh như khúc hát tặng anh đêm hội
Ai qua chợ Thái, mời người ghé thăm
Quảng trường lộng gió, Tượng đài trang nghiêm
Qua cầu Gia Bẩy cùng em
Ngọt ngào câu lượn, người quên lối về
Lung linh sóng nước sông Cầu
Trao nhau một mối tơ duyên năm nào
Người ơi này người ơi
Hãy về thăm miền quê tôi
Có (chén) nước chè xanh
Ngọt giọng câu hò thêm vang
Người ơi hãy nhớ đừng quên
Câu sli em hát tặng anh đêm hội
Người ơi này người ơi
Dẫu cho cách trở đôi nơi
Hỡi người, Tình em còn đọng mãi đợi yêu thương
Dù xa anh nhé đừng quên
Yêu em hãy đến Thái Nguyên quê mình
Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình.
(Phổ thơ: Phạm Xuân Đương)
Cảm nhận về quê hương Thái Nguyên trên phương diện kiến trúc và kết cấu hạ tầng, bài thơ và ca khúc "em đi chợ Thái" đưa ta qua Cầu Bến Oánh; Cầu Gia Bẩy nơi miền trung du, rồi Đường Bến Tượng, Quảng trường lộng gió và Tượng đài trang nghiêm. Những tên đường, tên những nhịp cầu quen thuộc và đặc trưng cho một đô thị trung du như thành phố Thái Nguyên. Bản thân những tên gọi ấy không gợi nhiều thơ và nhạc nhưng qua sự sắp xếp ngôn từ tài tình của tác giả, nó trở nên đẹp và ý nghĩa. Người thưởng thơ hay nghe nhạc như đang được đi dạo một vòng quanh thành phố thân yêu, được ghé qua những con đường, những cây cầu, những mái đình, vườn hoa hay quảng trường thành phố. Cách đặt nhạc mượt mà khiến lòng người như say đắm hơn với thắng cảnh thành phố thân yêu này.
Cảm nhận về quê hương trên phương diện văn hóa phi vật thể, Thái Nguyên được nhắc đến với hát giao duyên qua "câu sli" của đồng bào dân tộc Nùng, "câu lượn" của đồng bào dân tộc Tầy. Nếu không hiểu văn hóa hát giao duyên của đồng bào, sẽ có người thắc mắc tại sao tác giả lại nhắc đến "câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ sông quê". Hát giao duyên bằng sli hay lượn thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối đối đáp. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước. Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại. Tiếng hát giao duyên trai gái tình tứ nghe như tiếng hò bên sông Cầu vậy, êm đềm, ru dương, say đắm lòng người. Ai đã trót yêu hai làn điệu dân ca dìu dặt này rồi, xa Thái Nguyên chắc càng thêm nhớ!?
Và sau cùng, nhắc đến Thái Nguyên quê tôi là nhắc đến đặc sản "chè Thái". Sản phẩm chè Thái có hương vị đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Từ rất lâu, chè Thái Nguyên đã được tôn vinh là "đệ nhất danh trà" của đất nước. Chè Thái Nguyên ngon nhất là chè xanh Tân Cương, búp đều, nhỏ, hình móc câu, có vị cốm thơm được pha bằng nước suối đầu nguồn, nuớc sạch ở giữa lòng sông hoặc nước giếng khơi.
Bài thơ ngắn, ca khúc cũng hát trong vòng 5 phút nhưng nói hộ lòng người được bao điều. Nó giúp tôi lý giải tại sao xa Thái Nguyên thấy nhớ lạ lùng. Nhớ phố phường quanh co bình dị, nhớ câu hát giao duyên thắm tình quê hương, nhớ ly trà xanh ngọt giọng người xa xứ.
Sáng mai thôi, giữa mảnh đất miền trung này trong cuộc giao lưu, khi bạn bè hỏi tôi về quê hương Thái Nguyên, ca khúc "Em đi chợ Thái" sẽ thay tôi trả lời tất cả. Mộc mạc, thân thương mà gần gũi.
"Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình"
Bài: Chu Hồng